Nếu có dịp du lịch miền Nam khu vực An Giang bạn không nên bỏ lỡ lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Đây là một lễ hội có lịch sử lâu đời và mang đậm giá trị văn hóa tâm linh của người dân Nam bộ. Đồng thời nó cũng thể hiện tín ngưỡng của mọi người vùng sông nước miền Nam. Lễ hội này đã được nhà nước công nhận là lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001.
19-12-2014 lễ hội này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được tổ chức hằng năm. Nếu bạn muốn có một chuyến du lịch đậm chất văn hóa. Vừa có thể thưởng thức cảnh đẹp vừa tìm hiểu văn hóa dân gian đặc sắc ở An Giang. Bạn có thể đến tham gia lễ hội tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang.
Lễ hội Bà Chúa Xứ – An Giang
Giống như những lễ hội khác: Lễ hội Bà Chúa Xứ bao gồm phần lễ và phần hội. Bao gồm 5 lễ chính: lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, lễ Túc Yết, lễ Xây Chầu và lễ Chánh Tế.
Lễ Tắm Bà
Quá trình chuẩn bị
Bắt đầu khai lễ vào đúng 24 giờ đêm ngày 23 và rạng sáng ngày 24 tháng 4 âm lịch. Tắm Bà thực tế là chỉ lau chùi những mảng bụi bậm trên tượng thờ. Sau đó thay xiêm y (áo Mão) cho tượng bà. Nước dùng để tắm tượng Bà là loại nước thơm. Còn bộ y phục cũ của Bà sẽ được cắt ra từng mảng nhỏ để phân phát những người đến trẩy hội. Đó được coi như lá bùa hộ mệnh của Bà ban cho giúp người dân giúp họ khỏe mạnh và chừ tà ma quỷ.
Nghi lễ tắm Bà
Nghi thức đầu tiên của “lễ tắm Bà” là thắp sáng hai cây đèn sáp to trước tượng Bà. Sau đó ông chánh bái và hai vị bô lão sẽ niệm hương, dâng rượu, trà. Kế đến sẽ là ban quản trị lần lượt niệm hương cầu nguyện, lễ tất. Bức màn vải có viền ren thêu chữ;hoa nhiều màu sặc sỡ được kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng Bà.
Thông thường sẽ có một nhóm 4 – 5 phục nữ vào vén màn và chuẩn bị tắm Bà. Trước tiên là cởi mão, khăn đội trên tượng, rồi lần lượt đến đai áo, áo ngoài, áo trong; để lộ toàn thân pho tượng bằng đá sa thạch ở tư thế ngồi, phía dưới chân Bà sẽ được đặt một chậu nước hoa xông lên thơm ngát rồi sẽ lần lượt từng chiếc khăn thấm vào lau lên pho tượng Bà.
Sau khi tắm Bà bằng nước thơm thì sẽ có một mâm cổ đựng đầy nước hoa được dâng lên, mỗi lọ sẽ được xịt một ít lên tượng Bà. Sau đó sẽ được trả lại cho chủ nhân đem về làm vật gia bảo. Cuối cùng sẽ là một bộ xiêm y đẹp nhất, lộng lẫy nhất được dâng cúng rồi khoác lên tượng Bà, thắt đai và đội mão lên đầu. Kết thúc nghi thức tắm Bà, bức màn vải sẽ được vén lên, mọi người đến trẩy hội sẽ chen nhau đến gần chiêm ngưỡng và xin lộc từ Bà và sau đó sẽ được tự do bái lễ, dâng hương.
Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà An Giang
Lễ này sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 24 tháng 4 Âm lịch. Các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu sẽ mặc lễ phục chỉnh tề để sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu Bà để làm lễ Thỉnh Sắc rước bốn sắc (bài vị) của Ngọc Hầu, Nguyễn Văn Thoại, bà nhị phẩm Trương Thị Miệt và bài vị Hội Đồng
Đoàn Thỉnh Sắc sẽ có đoàn múa lân miếu Bà đi trước; tiếp sau đó sẽ là ông chánh bái, hai vị bô lão và những vị chức sắc khác. Theo sau là các học trò lễ xếp thành hai hàng dọc, tay cầm cờ phướn đi hầu trước và sau long đình do bốn người khiêng. Sau nghi thức dâng hoa, niệm hương tế lễ, đoàn Thỉnh sắc sẽ rước bốn bài vị Thoại Ngọc Hầu lên long đình về miếu Bà. Cuối cùng ban quản trị sẽ dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc sẽ kết thúc.
Lễ Túc Yết
Quá trình chuẩn bị
- Phần lễ thứ ba nằm trong năm phần lễ của Lễ Hội Bà Chúa Xứ đó là Lễ Túc Yết. Lễ cúng này sẽ được diễn ra vào lúc 00 giờ ngày 25 và ráng sáng ngày 26 tháng 4 Âm Lịch. Tất cả các bô lão và ban quản trị sẽ mặc lễ phục chỉnh tề, sau đó đứng xếp hàng hai bên trước tượng Bà. Bốn học trò lễ và bốn đào thầy, đứng chính diện với tượng Bà sẽ là ông chánh bái.
- Chuẩn bị hành lễ, vật lễ cúng sẽ bao gồm một con heo trắng (đã được cạo sạch lông và mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một đĩa đựng huyết heo và ít lông heo gọi chung là “mao huyết”, một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau và một đĩa gạo muối. Tất cả lễ vật được chuẩn bị sẽ được bày trên bàn đặt trước tượng Bà Chúa Xứ.
Nghi lễ Túc Yết
Vào nghi thức lễ, ông chánh bái và các vị bô lão sẽ đến niệm hương trước bàn thờ; kế tiếp sẽ là phần “khởi cổ”. Khi ba hồi trống và ba hồi chiêng được vang lên. Lúc đó nhạc lễ bắt đầu trỗi lên sẽ là lễ dâng hương, chúc tửu, hiến trà. Từng diễn biến của buổi lễ sẽ được hai người xướng lễ, một xướng nội, một xướng ngoại – xướng to lên.
Sau khi hành lễ dân hương, dâng hoa thì tiếp theo sẽ là lễ dâng ba lần rượu (tức là chúc tửu), dâng ba lần trà (tức là hiến trà); sau đó theo lệnh của người xướng lễ thì bản văn tế sẽ được mang đến trước bàn thờ; một người trong ban quản trị sẽ đại diện đọc bản văn tế. Vừa dứt đoạn bản văn tế thì ông chánh bái sẽ đốt bản văn tế này cùng với một ít giấy vàng mã; rồi sau đó sẽ lật ngửa con heo trắng trước khi khiêng đi. Phần cúng túc yết sẽ kết thúc tại đây.
Lễ Xây Chầu
Sau khi kết thúc cúng Túc Yết thì sẽ đến Lễ Xây Chầu. Đầu tiên người ta sẽ khiêng bàn thờ tổ ra ngoài và thay vào đó là một cái Trống Chầu; sau đó vào lễ người xướng nội sẽ hô to ” ca công tựu vị”; vừa dứt tiếng hô thì ông chánh bái ca công liền bước đến vái bàn thờ đặt giữa võ ca. Tay cầm hai dùi trống nâng lên ngang trán và bắt đầu khấn vái. Sau khi khấn vái thì ông chánh bái ca công sẽ cầm nhánh dương nhúng vào tô nước thánh; vừa đọc lời cầu nguyện vừa vảy nước xung quanh.
Đọc xong, ông chánh bái ca công sẽ đánh ba hồi trống Chầu và xướng tiếp “ca công tiếp giá”. Lập tức đoàn hát bộ nổi chiêng trống rộ lên và chương trình hát bội chính thức bắt đầu. Phần hát bội này nhằm cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Và những vở tuồng được diễn tại Miếu Bà như: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương,…
Lễ Chánh Tế
Phần lễ cuối cùng đó là lễ Chánh Tế. Nghi Lễ sẽ được diễn ra vào lúc 4 giờ sáng ngày 26 tháng 4 Âm lịch. Và nghi thức giống cúng Túc Yết. Đến chiều ngày 27 tháng 4 Âm lịch sẽ đưa sắc Thoại Ngọc Hầu về lại lăng và kết thúc Lễ Hội Bà Chúa Xứ. Bên cạnh phần nghi lễ hoành tráng thì phần “hội” cũng không kém phần hấp dẫn và thú vị. Phần hội bao gồm hoạt động văn hóa đặc sắc dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén; Các tập tục mê tín như xin xâm, bói toán, đồng bóng,…được diễn ra liên tục trong những ngày này.
Kinh nghiệm đi lễ Bà Chúa Xứ – núi Sam, An Giang
Thời điểm để đi hành hương ?
Chùa Bà Chúa Xứ là một nơi du lịch tâm linh rất linh thiêng. Do mọi người đến đây cầu được ước thấy nên càng ngày càng nhiều người tìm đến. Thời điểm đi viếng Bà Chúa Xứ núi Sam cũng rất đa dạng; tùy theo sự sắp xếp thời gian linh hoạt của mỗi người. Tuy nhiên, chùa Bà thường đông nhất là vào khoảng thời gian đầu năm. Tuy nhiên, người Việt thường có thói quen đi chùa đầu năm lấy lộc và cầu may mắn, sức khỏe. Thời điểm thích hợp để hành hương là vào những ngày đầu tuần hay giữa tuần. Lúc này giá vé cũng “mềm” hơn ngày thường và sẽ đỡ đông đúc hơn so với những ngày dịp lễ, Tết.
Lễ vật cúng Bà Chúa Xứ An Giang
Lễ vật đi cúng gồm có mâm trái cây ngũ quả; hoa, hương (nhang), đèn cầy; hũ gạo, hũ muối, bánh, kẹo; trà, rượu, trầu, cau, xôi chè, bánh bao, heo quay nguyên con. Trong số các đồ cúng này thì heo quay nguyên con chính là lễ vật trang trọng nhất. Đặc biệt nó được số đông người hành lễ ưa dùng để dâng cúng Bà. Theo như phong tục xưa thì heo quay dùng để cúng sẽ phải có một con dao cắm ở ngay sống lưng heo.
Đối với heo quay, vì lý do di chuyển xa để lâu heo sẽ nguội và không ngon. Bạn có thể đặt trước heo quay ở các lò quay gần chùa. Tuy nhiên khi mua bạn nên tìm hiểu kỹ về giá bán và chất lượng heo. Từ đó mới tránh bị mua nhầm heo đã cúng rồi quay lại bán tiếp nhé. Hãy cùng chúng tôi khám phá điều đặc sắc của văn hóa Miền Nam thông qua Lễ Hội Bà Chúa Xứ nhé!