Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội dân gian có nguồn gốc từ Phật giáo. Nó mang đậm dấu ấn, văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo lớn nhất tại Đà Nẵng. Hằng năm lễ hội này thu hút khá nhiều tín đồ phật tử và các chư tăng tụ hội. Tuy nhiên vì số lượng phật tư khá đông mà địa điểm tổ chức vẫn như cũ nên có khá nhiều người không thể vào lễ bái. Điều này cũng không thể ngăn cản sự thành tâm hướng phật của nhiều người. Chính vì thế cứ mỗi kì lễ hội là có hàng ngàn phật tử đến đây từ sáng sớm.
Lễ hội Quán Thế Âm ở núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ năm 2021. Hôm nay chúng ta hãy xem thử lễ hội này có điểm nào đặc biệt mà thu hút nhiều người đến vậy nhé.
Chùa Quán Thế Âm
Chùa do cố Hòa thượng Thích Pháp Nhãn trong một giấc thần mộng về Ngài Quán Thế Âm ứng hiện nơi động thiêng, pháp đàn của Ngài. Theo đó, Hòa thượng đã tìm thấy ngôi thạch động có tôn tượng Quan Âm hoàn toàn do thiên nhiên tạo nên thật là ứng nghiệm. Từ đó Hòa thượng đã thành lập ngôi chùa Quán Thế Âm. Ngôi chùa có sự nhiệm mầu của Phật Pháp như vậy khiến lòng người phải ngưỡng mộ kính tin.
Nguồn gốc lễ hội Quán Thế Âm
Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức thường niên tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội có xuất xứ từ một lễ vía thuần túy tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật. Đó là Lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm vào ngày 19 tháng 2 âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật. Lễ hội tổ chức để cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc; khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người; sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Lễ hội Quán Thế Âm được khởi xướng từ năm 1960. Đây là ngày khánh thành tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở động Hoa Nghiêm thuộc ngọn Thuỷ Sơn, phía Tây Ngũ Hành Sơn. Hai năm sau, lễ hội này được tổ chức nhân dịp khánh thành chùa Quán Âm ở động Quan Âm; đây là nơi đã phát hiện ra một khối thạch nhũ có hình tượng Phật bà Quán Thế Âm. Sau một thời gian dài vắng bóng vì một số lý do, năm 1991, Lễ hội mới được khôi phục trở lại và bắt đầu một lần nữa thu hút khách tham gia và các chương trình tới thăm. Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong 3 ngày, bao gồm hai phần: lễ và hội.
Phần lễ của lễ hội gồm các bước sau
- Lễ rước ánh sáng: được tổ chức vào tối ngày 18. Bao gồm rước đuốc, rước kiệu, múa lân, múa rồng để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh; đó là ánh sáng của trí tuệ, trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức mới trong sáng (theo quan niệm phật giáo).
- Lễ khai kinh: tổ chức vào sáng sớm ngày 19. Đây là lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc.
- Lễ trai đàn chẩn tế: vào sáng ngày 19 để cầu siêu, cúng thập loại chúng sinh
- Lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc: tổ chức vào sáng ngày 19; ngợi ca lòng từ bi bác ái của đức Phật Bồ Tát QuánThế Âm và cầu nguyện cho dân tộc thái bình, an khang.
- Lễ rước tượng Quán Thế Âm: vào khoảng 10 giờ sáng ngày 19. Nhằm cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, đi làm ăn trên sông nước được thuận lợi bình an.
- Ngoài các nghi lễ trên, còn có lễ tế xuân (cúng sơn thủy, thổ thần) để cầu quốc thái dân an. Lễ thường được tổ chức vào đêm ngày 18
Phần hội của lễ hội vô cùng sôi nổi
Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hoá – thể thao. Các hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại. Như hội hoá trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, hoạ, điêu khắc; múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng. Các hoạt động văn hóa khác như triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc. Ngoài ra còn có các hội thi thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, hội thi nấu ăn chay… Lễ hội Quán Thế Âm góp phần phục hồi; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam. Là một trong những điểm đặc biệt thu hút khách du lịch ghé thăm Đà Nẵng.