Mỗi một vùng miền trên dải đất hình chữ S của chúng ta đều sở hữu nét đẹp ẩm thực đặc trưng khác nhau. Nếu có dịp ghé thăm vào miền Tây, chắc chắn du khách sẽ phải ngỡ ngàng trước vị ngon, sự hấp dẫn của những món ăn nơi đây. Điển hình trong số đặc sản nổi tiếng nhất phải kể đến là món lẩu cù lao miền Tây. Với những người dân sinh sống tại đây thì lẩu cù lao là món lẩu cực phổ biến, ngon miệng với sự kết hợp của nhiều nguyên liệu khác nhau. Hơn nữa, mỗi nguyên liệu đều có màu sắc đặc trưng và nhiều dinh dưỡng. Ngay sau đây, độc giả hãy cùng chúng tôi điểm qua một số thông tin thú vị xoay quanh món ăn thanh đạm và ngon miệng này nhé.
Nguồn gốc của món lẩu cù lao miền Tây
Với người dân miền Tây sông nước, danh từ cù lao không chỉ dùng để chỉ một dải đất được bao bọc bởi những nhánh sông chằng chịt đôi bờ như cù lao Sơn, cù lao Bảo. Người miền Tây còn gọi tên một dụng cụ nấu nướng là cái cù lao. Nó nhìn khá giống với chân đèn nhưng to hơn khi kết hợp chiếc thau nhôm hình trụ có một ống khói rỗng ở giữa để đựng than.
Cái món lẩu cù lao thường gọi tắt là cù lao chẳng biết tự bao giờ, đã trở thành nét điểm xuyết cho sự đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người dân miền Tây Nam Bộ trong nhiều dịp quan trọng như đám cưới, đám giỗ hoặc lễ, Tết. Cù lao có hình dáng độc đáo. Bề ngoài giống tựa cái chân đèn trên bàn thờ ông bà, nhưng phức tạp hơn.
Phía trên cù lao là hình vòng tròn lớn mở miệng dùng để đựng thức ăn. Ở giữa là thân hình trụ tròn nối liền phần đế, làm nơi chứa tro, than. Phía trên cùng có nắp đậy và phần quai để dễ cầm và tránh tro than bay vào… Than sẽ được cho vào rốn trụ ở giữa thân. Khi than cháy đỏ cũng là lúc thức ăn chứa ở xung quanh sôi ùng ục. Hình tượng này tựa như dải đất cù lao nổi lên giữa bốn bề sông nước, thể hiện sự sáng tạo của người dân, hình thành nên món ăn mang đậm dấu ấn bản địa, không thể nhầm lẫn.
Quy trình nấu món lẩu cù lao khá cầu kỳ và công phu
Để có được món lẩu cù cù lao, công đoạn chuẩn bị không quá cầu kì. Người nấu không dùng nhiều gia vị. Nước dùng được nấu từ xương ống ngọt thanh; thêm tôm khô hoặc khô mực, nấu với củ sắn nên có vị ngọt tự nhiên. Đặc biệt là nước rất trong, không có màu sắc. Tùy theo mỗi địa phương và điều kiện từng gia đình mà thành phần nguyên liệu làm lẩu cù lao phong phú khác nhau. Nồi lẩu cù lao đúng nghĩa thường sẽ có những nguyên liệu đặc trưng : Da heo khô ăn giòn giòn, thịt, tim, gan, mề, chả cá thát lát, bao quản (trứng vịt cuộn tàu hủ ky), bắp cải cuộn thịt bằm…
Cù lao không có đĩa rau ăn kèm như các món lẩu khác. Tất cả rau để sẵn trong cù lao thường sẽ là các loại hoa và rau củ như : bông bí, bắp cải, cà rốt, củ cải trắng. Chúng được tỉ hình hoa tỉ mĩ, một ít hành lá tước cong đẹp mắt. Người dân thường ăn lẩu cù lao với bún hoặc mì. Than dùng để tốt thường là than từ cây đước bởi nó sẽ cháy đều, giữ nhiệt lâu và ít tro bụi.
Cách thưởng thức món lẩu cù lao
Khi ăn lẩu cù lao bạn cần đợi nước sôi. Khi nắp nồi nhúc nhích thì mở ra, cho nguyên liệu vào. Hơi nước, quyện vào lửa than bốc lên, kết hợp mùi thơm từ những bông hoa được khéo léo bày biện trên mặt lẩu, bên dưới là các món ngon lành, cuồn cuộn tỏa ra khiến ta khó cưỡng lại được. Trong không khí ấm cúng, tất cả mọi người ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức vị ngọt thanh của nước dùng cùng sự tươi mới của nguyên liệu đi kèm tạo nên hương vị thơm ngon, ngọt ngào tình đất, tình người mà chỉ cần nếm thử một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Hình ảnh các dì, các mẹ, hay các chị sẽ cùng nhau chung tay làm ra món lẩu cù lao để phụ đãi tiệc rất thú vị. Người thì phụ trách phần nấu nước súp. Người thì tất bật tạo hình những viên chả tròn trĩnh. Người lại ngồi xắt từng cà rốt, tỉa hoa; còn người thì ngồi xếp từng nguyên liệu vào trong nồi cù lao để lên tiệc. Bận rộn là thế, nhưng lúc nào sau những trái bếp ấy cũng là tiếng cười đùa; những lời yêu thương của bà con xóm giềng. Mới thấy hết cái tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết sum vầy từ cái nồi lẩu cù lao, mà chỉ có về miền Tây mới cảm nhận rõ nét.
Những lưu ý nhỏ khi nấu món lẩu cù lao miền Tây
– Món lẩu này ngon nhất khi sử dụng cù lao. Tuy nhiên nếu không có thì bạn vẫn có thể sử dụng nồi lẩu thông thường.
– Tùy theo sở thích, bạn có thể thêm hoặc bớt một số loại nhân nhúng. Ví dụ như: cá tươi, lòng non, tôm tươi, mực tươi, ốc móng tay…
– Trước khi cho tôm khô vào nồi nước lẩu, bạn nên ngâm tôm 5-10 phút để tôm mềm ra.
– Chần sơ cà rốt, củ sắn qua nước sôi trước khi bỏ vào nồi lẩu sẽ dễ ăn hơn.
– Lẩu cù lao có thể ăn kèm bún hoặc mì tôm đều rất ngon.