Có thể nói rằng, ẩm thức ngày Tết của Việt Nam rất chú trọng vào mâm cỗ. Thời điểm này, hầu hết các gia đình sẽ chế biến những món ngon truyền thống để dâng lên ông bà, tổ tiên. Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý đó là dựa vào đặc trưng vùng miền, điều kiện địa lý cũng như thói quen ăn uống ở từng địa phương mà các món ăn theo đó cũng có sự thay đổi. Nếu như mâm cỗ tết miền Bắc rất ưa chuộng bánh chưng, dưa hành, thịt đông thì ở mâm cỗ ngày tết miền Nam lại có sự khác biệt đôi chút. Ngay sau đây chúng ta hãy cùng điểm tên những món ăn truyền thống ngày tết ở Nam Bộ cực phổ biến để xem ẩm thực vùng này có gì khác nhé.
Món bánh tét miền Nam
Nguyên liệu gói bánh tét cũng tương tự như bánh chưng miền Bắc, gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn. Tuy nhiên bánh tét miền Nam lại đa dạng, phong phú hơn về mùi vị và màu sắc với tên gọi khác nhau như bánh tét dừa, bánh tét chuối, bánh tét lá cẩm, bánh tét trứng muối thập cẩm…Vào những ngày đầu năm, mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ bên mâm cỗ, thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon mới thấy bầu khí gia đình đầm ấm và ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc.
Món thịt kho hột vịt
Nếu như ngày Tết miền Bắc không thể thiếu món thịt đông thì trên mâm cơm tất niên của người miền Nam luôn có thịt kho trứng với nước dừa. Người ta cắt thịt heo miếng to cỡ ba ngón tay. Sau đó họ tẩm ướp với gia vị như tỏi, nước mắm. Cho tất cẩ vào nồi đun sôi với nước dừa. Sau cùng là thả trứng đã luộc chín vào kho chung rồi nêm nếm lại vừa ăn. Thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ, nước thịt trong ngần vương lớp mỡ trong veo, miếng thịt thơm, mềm mà không ngấy mới ngon. Nồi thịt kho ngon để nửa tháng vẫn còn thơm lừng. Món này ăn với cơm trắng và dưa giá rất ngon.
Củ kiệu ngâm muối và lạp xưởng
Củ kiệu ngâm muối là món ăn bình dị. Tuy nhiên quá trình chế biến rất công phu và tốn nhiều thời gian. Củ kiệu được ngâm muối cho chua từ khoảng 10 ngày trước Tết. Người miền Nam thường ăn kèm củ kiệu với một ít tôm khô để món ăn thêm đậm đà, thơm ngon. Lạp xưởng có thể luộc, hấp, nướng hoặc chiên. Song giới sành ăn đánh giá món này đem nướng là ngon nhất. Đặc biệt khi nướng trên rượu, món ăn sẽ tỏa mùi thơm nức; mới ngửi thôi trống bụng đã đánh liên hồi. Nếu không có thời gian nướng có thể chiên với dầu hoặc nước bằng cách cho lạp xưởng vào chảo nóng, đổ thêm ít nước lã, đến khi nước cạn thì đảo thêm vài lần cho vàng đều là được.
Canh mướp đắng nhồi thịt nạc
Theo quan niệm của người miền Nam, ăn canh khổ qua thể hiện mong ước cuộc sống sung túc. Lúc này mọi khổ cực sẽ qua đi và bắt đầu một năm mới tươi sáng hơn. Món này hơi đắng nhưng lại tốt cho sức khỏe. Vị đắng của khổ qua hòa lẫn vị ngọt của thịt, nước lèo tạo thành món canh ngon, vừa bổ dưỡng vừa giải nhiệt.
Ngoài những món ăn trên, từng gia đình có thể chế biến thêm các món khác. Ví như chả giò, chả nguội, lạp xưởng, các loại khô,… Đặc biệt, người miền Nam thường mua thêm vài ký cá đồng để dự trữ trong nhà. Họ sẽ dùng dần trong ba ngày Tết. Món cá lóc nướng trui, cá trê chiên ăn với nước mắm gừng; cá rô kho lạt đều rất đặc sắc, hấp dẫn mọi người. Bên cạnh đó, ngoài vườn lúc nào cũng nuôi sẵn vài ba con gà, vịt, khi cần là có thể bắt chế biến thành nhiều món ăn đơn giản mà không kém phần hấp dẫn như ca-ri vịt, cháo gà,…