Nhắc đến Huế ai cũng nhớ đến những công trình văn hóa đền đài, lăng tẩm uy nghiêm, cổ kính. Bên cạnh đó Huế còn là điểm du lịch lý tưởng của du khách trong và ngoài nước, bởi Huế có nhiều thắng cảnh tráng lệ và nền ẩm thực phong phú. Những món đặc sản Huế đặc trưng làm nức lòng du khách, đặc biệt là mắm tôm chua khiến ai cũng mê mẩn khi đến đây.
Mắm tôm chua Huế là một món ăn đặc sản rất bình dị và hầu như lúc nào cũng có trong nhà của người Huế bởi nơi đây có mùa tôm quanh năm. Người dân nơi đây nghĩ ra nhiều cách làm với món tôm bảo quản được lâu bởi mỗi mùa là sẽ có một loại tôm khác nhau như tháng 2, tháng 10 là mùa tôm đất, tháng 3, tháng 5 là mùa tôm sú … . Trong đó mắm tôm chua là nổi tiếng nhất.
Nguyên liệu làm Mắm tôm chua Huế
Với hương vị đặc trưng chua ngọt rất lạ miệng, mắm tôm chua của Huế có thể kết hợp ăn cùng rất nhiều món ăn. Chẳng hạn như cơm trắng, bánh chưng, bánh tét hoặc dùng làm nước chấm cho thịt luộc cũng rất ngon. Không chỉ dùng ăn kèm với các món ăn khác để tăng thêm phần hấp dẫn; món tôm chua này còn làm tăng thẩm mỹ cho mâm cơm nhà bạn nhờ màu sắc đẹp mắt từ món ăn. Nếu đã được một lần ăn thử mắm tôm chua Huế chắc hẳn bạn sẽ không thể nào quên được hương vị ấy; một hương vị mộc mạc bình dân mang đậm chất riêng của Huế. Vào bếp cùng chúng tôi làm món khô – mắm này để thưởng thức lại hương vị này nhé!
Nguyên liệu cho 3 người: Tôm 500 gr, Bột nếp 40 gr, Rượu trắng 35 ml, Ớt 5 quả, Tỏi 7 tép, Riềng 100 gr, Nước lọc 280 ml, Nước mắm 120 ml, Đường 130 gr, Muối 1 ít
Cách chọn mua tôm tươi ngon
- Chọn mua những con tôm có vỏ ngoài trong suốt, màu sắc đồng nhất, không có hiện tượng chảy nhớt.
- Chọn những con tôm có các khớp vỏ trên thân hoạt động linh hoạt. Phần đầu và phần thân tôm gắn chặt vào nhau; phần đuôi xếp lại với nhau chứ không bị xòe ra.
- Tránh chọn mua những con tôm có thịt mềm nhũn, phần đầu và thân tôm rời rạc. Hay chân tôm chuyển sang màu đen và có mùi hôi bất thường.
Dụng cụ thực hiện: Thau, nồi, muỗng, bếp từ, hũ thủy tinh,…
Cách chế biến Mắm tôm chua Huế
Sơ chế tôm và nguyên liệu
- Sơ chế tôm: tôm nhặt bỏ phần đầu, giữ nguyên phần đuôi. Chuẩn bị một thau nước, bạn cho vào đó một ít muối. Kế tiếp, cho tôm vào thau và ngâm trong vòng 1 giờ rồi vớt ra, rửa lại với nước một lần nữa. Sau đó để cho thật ráo nước rồi dùng giấy ăn thấm cho tôm khô hoàn toàn.
- Cách khử mùi tanh của tôm: Tôm sau khi làm sạch bạn đem đi ngâm trong nước pha muối, đường và rượu trắng. Sau đó, vớt ra, để ráo là có thể chế biến ngay được rồi.
- Sơ chế nguyên liệu khác: Riềng gọt bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo rồi cắt sợi. Tỏi bóc bỏ vỏ, cắt thành những lát mỏng. Ớt rửa sạch với nước, để ráo rồi loại bỏ phần hạt bên trong và cắt sợi.
Ngâm tôm
- Pha bột: Cho vào nồi 40gr bột nếp, 280ml nước lọc rồi khuấy đều cho bột tan hết. Kế tiếp, bắc nồi lên bếp, vặn lửa nhỏ, khuấy đều tay đến khi hỗn hợp bột trong nồi chín và sệt lại hoàn toàn. Mách nhỏ: Để bột không dính đáy nồi thì trong quá trình nấu bạn dùng vá hoặc muỗng khuấy đều liên tục
- Nấu mắm đường: Bắc nồi khác lên bếp, cho vào nồi 130gr đường, 120ml nước mắm; dùng muỗng khuấy đều liên tục và tiến hành nấu trên lửa vừa đến khi hỗn hợp sôi lên. Đồng thời đường trong nồi cũng tan hết thì tắt bếp, để nguội.
- Trộn tôm với hỗn hợp mắm: Chuẩn bị một cái tô lớn. Cho vào tô bột nếp vừa nấu ở trên, nước mắm đường đã nguội, 35ml rượu, tỏi cắt lát, ớt và riềng cắt sợi rồi trộn cho thật đều tay. Sau đó, cho tôm vào và tiếp tục trộn đều tay từ 5 – 7 phút cho tôm thấm gia vị.
- Ngâm tôm với mắm: Đầu tiên cho vào hũ một lớp gồm riềng, tỏi và ớt. Tiếp đến sẽ là một lớp tôm. Cứ xen kẽ một lớp này đến một lớp kia cho đến khi xếp đầy hũ. Sau đó, cho thêm phần nước vào hũ rồi đậy nắp lại và đem đi phơi nắng khoảng 10 ngày.
- Lưu ý: Để mắm không bị hư trong quá trình ngâm thì bạn cần đảm bảo nguyên liệu và các dụng cụ phải thật khô
Hoàn thành
Sau 10 ngày thì tôm sẽ chuyển sang màu đỏ cam. Đây là lúc tôm đã chín và bạn có thể ăn ngay được rồi.
Mắm tôm chua Huế hoàn thành có màu đỏ cam rất bắt mắt. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị chua ngọt của tôm quyện cùng vị cay nồng của tỏi, ớt và riềng cực kì hấp dẫn. Món này mà ăn kèm với cơm trắng, thịt luộc cuốn cùng bánh tráng và các loại rau thơm nữa thì hết sẩy!
Mẹo bảo quản
- Cần đóng kín nắp hũ đựng mắm tôm để không khí không lọt vào, mắm tôm sẽ nhanh lên men và không bị hỏng.
- Để ở môi trường nhiệt độ bình thường. Có thể cất trong tủ lạnh, thời hạn sử dụng từ 6 – 12 tháng. Nên dùng muỗng sạch, đũa sạch lau khô múc ra chén trước khi pha gia vị để mắm không bị nhanh hư.
- Khi mắm bốc mùi, đổi màu và có nước ở mặt trên trong lọ thì không nên dùng tiếp nữa.
Trên đây là hướng dẫn cách làm mắm tôm chua Huế. Quá đơn giản phải không nào? Hy vọng với công thức được chia sẻ ở trên bởi chúng tôi sẽ giúp bạn dễ dàng thực hiện được món ăn này. Chúc bạn thành công nhé!