Khi bỏ túi những mẹo nấu cháo nhanh, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức, việc vào bếp cũng trở nên dễ dàng hơn. Những mẹo này rất đơn giản, dù áp dụng cho món cháo của người lớn hay trẻ nhỏ. Cháo là món ăn ngon, dễ tiêu, rất thích hợp cho trẻ nhỏ và người mới ốm dậy. Cháo có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau, từ thịt, cá, hải sản, rau củ… để tạo nên món cháo thơm ngon, bổ dưỡng. Cách nấu không khó nhưng để nấu được một nồi cháo ngon, mềm là điều không phải ai cũng làm được.
Đặc biệt, với những mẹ đang chăm con nhỏ, việc nấu cháo hàng ngày sẽ rất mất thời gian và ảnh hưởng đến công việc của mẹ. Hiểu được điều đó, chúng tôi đã tổng hợp nhiều mẹo hay giúp mẹ nấu cháo ngon và nhanh cho bé. Các bà nội trợ và những người yêu thích nấu nướng cũng có thể áp dụng những mẹo này khi nấu để tiết kiệm thời gian và công sức.
Mẹo nhỏ nấu cháo nhanh nhừ
- Bạn vo gạo sạch, cho vào nồi nấu sôi, sau đó đậy vung lại rồi tắt bếp. Khoảng 10 phút sau bật bếp nấu sôi rồi lại tắt, làm như thế vài lần cháo sẽ nhừ tơi. Cách này có thể áp dụng với các món hầm để làm chín nguyên liệu một cách nhanh chóng.
- Cho gạo vào nồi nấu sôi, đậy vung lại, tắt bếp khoảng 15 phút rồi nấu sôi lại với lửa nhỏ, cháo sẽ mau nhừ hơn bình thường.
- Trước khi đi ngủ, bạn vo gạo sạch rồi bỏ vào nước sôi trong bình thủy, đậy nắp lại. Sáng hôm sau lấy ra thì cháo đã nhừ mà không phải chờ đợi lâu. Bạn chỉ cần chuẩn bị phần nhân thịt cá, rau củ rồi. Cho vào nồi khuấy đều cùng với cháo, bắc lên bếp nấu vài phút; vừa nấu vừa khuấy để cháo và nhân hòa quyện, nêm nếm gia vị vừa ăn là đã xong.
- Với mẹo này, sau khi vo sạch gạo và để ráo nước. Bạn cho gạo vào chảo rang cho đến khi gạo chuyển từ màu trắng đục sang màu trắng trong rồi mới nấu. Cách này thường được các tiệm bán cháo áp dụng. Vì sẽ giúp nồi cháo có mùi thơm đặc trưng. Hạt gạo mềm nhừ nhưng không bị vữa.
Ngoài các cách trên, việc căn chuẩn lượng nước khi nấu cũng là yếu tố giúp cháo ngon và mau nhừ. Tỉ lệ nấu chuẩn nhất là 1 gạo – 3 nước đối với cháo trắng. Tỉ lệ 1 gạo 4 nước đối với các món cháo thịt, cá, rau củ…
Một số lưu ý khác khi nấu cháo nhừ cho bé
- Để cháo không quá đặc hay quá loãng. Tỷ lệ gạo và nước khi nấu là 1 gạo : 3 nước. Nếu có thêm các nguyên liệu khác (rau, thịt, cá…) thì tỷ lệ này là 1:4.
- Luôn nấu bằng nước nóng, tức đun nước gần sôi mới đổ gạo vào sẽ hạn chế cháo bị khê hay dính nồi.
- Tùy từng loại nguyên liệu mà cho vào cùng lúc với gạo hay sau khi cháo đã nở. Thực phẩm cứng, lâu mềm như xương có thể cho lúc đầu. Rau củ, cá nên cho lúc sau để tránh bị nhừ, nát sẽ không ngon.
- Đừng khuấy liên tục khi nấu vì sẽ làm cháo vữa nát mất ngon.
Cách bảo quản cháo trắng trong tủ lạnh
- Nên bảo quản cháo bằng hộp nhựa trong ngăn đá tủ lạnh, tránh đựng trong hộp kim loại.
- Nên để cháo nguội trước khi cho vào hộp nhựa. Nếu cho vào lúc đang nóng dễ làm hòa các hóa chất ở hộp nhựa vào cháo.
- Nghiên cứu cho thấy nếu thực phẩm nóng trên 70ºC. Thì nó có khả năng nhiễm độc từ các đồ dùng bằng nhựa chứa nó. Các chất này khi vào cơ thể có thể gây ung thư, vô sinh…
- Khi chế biến món ăn cho bé, mẹ có thể rã đông cháo bằng lò vi sóng hoặc đun cách thủy. Cách đơn giản khác là mẹ cho cháo xuống ngăn mát tủ lạnh vào buổi tối hôm trước. Nếu hôm sau chế biến món cháo ăn dặm cho bé.
Hy vọng những mẹo vặt của chúng tôi sẽ có ích với các bạn. Hãy chia sẻ những thông tin này cho nhiều người cùng biết và áp dụng nhé!